Bệnh suy tĩnh mạch (3 bài)
BÀI 1. SUY TĨNH MẠCH MẠN TÍNH
Một nguyên nhân gây phù chân ít được biết đến
I. Đại cương:
Ở các nước tiên tiến như Châu Âu, Mỹ v.v…, bệnh lý tĩnh mạch có một ý nghĩa Y tế-Xã hội khá quan trọng vì bệnh rất thường gặp. Theo các thống kê ở Pháp, bệnh suy tĩnh mạch mạn tính chiếm đến 1% ở nam giới và 4,5% nữ giới ở tuổi trưởng thành, trong đó có hơn 70% là nữ và khoảng 35% ở những người đang làm việc.
Ở Việt Nam, trên thực tế bệnh cũng rất thường gặp nhưng chưa thực sự có được sự chú ý của cả thầy thuốc và bệnh nhân. Cho đến nay, chưa có một thống kê đầy đủ về loại bệnh này. Tuy nhiên, theo dự đoán của các chuyên gia Y tế, bệnh sẽ gia tăng cùng với sự phát triển của nền kinh tế và thay đổi nếp sống ở nước ta.
Chúng tôi còn nhớ trong lần thực tập tại Pháp về phẫu thuật mạch máu tháng 3-1994, Bác sĩ Pierre Desoutter, trưởng khoa Phẫu thuật mạch máu bệnh viện Juvisy phía nam thủ đô Paris đã nói với các Bác sĩ Việt Nam đến thực tập ở đây rằng: “Phẫu thuật Striping (phẫu thuật lấy đi các tĩnh mạch nông bị giãn) là phẫu thuật đầu tay của người Bác sĩ Phẫu thuật viên về mạch máu” và ông bắt chúng tôi phải làm thuần thục phẫu thuật này trước khi kết thúc đợt thực tập.
II. Giải phẫu tĩnh mạch chi dưới:
Các tĩnh mạch của chi dưới được phân chia làm 3 hệ thống: hệ nông, hệ sâu và hệ xuyên:
- Hệ tĩnh mạch sâu là các tĩnh mạch đi kèm với động mạch như tĩnh mạch chày, tĩnh mạch mác, tĩnh mạch chậu v.v…các tĩnh mạch càng lớn càng có ít van, tĩnh mạch chủ hầu như không có van và các tĩnh mạch này không bao giờ bị giãn, bệnh chủ yếu của hệ thống tĩnh mạch này là viêm tắc tĩnh mạch.
- Hệ tĩnh mạch nông ở chi dưới có hai nhóm: tĩnh mạch hiển ngoài và tĩnh mạch hiển trong. Tĩnh mạch hiển trong lớn và ở mặt trong của đùi đi từ mặt trước của mắt cá trong đến chỗ nối tĩnh mạch đùi-chậu (ngay nếp bẹn). Tĩnh mạch hiển ngoài nhỏ và nằm ở phía ngoài đi từ mặt trước mắt cá ngoài lên đến khoeo chân và đổ vào tĩnh mạch khoeo. Ngoài ra, nó còn bao gồm cả các tĩnh mạch dưới da. Bệnh lý suy tĩnh mạch mạn tính thường hay xảy ra ở hệ thống này.
- Hệ tĩnh mạch xuyên có nhiệm vụ đưa máu từ hệ thống tĩnh mạch nông vào hệ tĩnh mạch sâu bao gồm nhiều nhóm.
Máu di chuyển trong lòng tĩnh mạch theo chiều từ nông vào sâu và từ dưới lên trên nhờ hệ thống van mở ra khi máu đi về trung tâm đóng lại không cho máu chảy ngược và lực hút do hoạt động của cơ hoành, sức hút của tim, áp lực âm vùng trung thất cùng lực đẩy do hoạt động của hệ thống cơ. Tùy theo vị trí và nguyên nhân của tổn thương bệnh giãn tĩnh mạch chi dưới được chia làm 4 nhóm:
- Nhóm giãn tĩnh mạch tiên phát hay còn gọi là giãn tĩnh mạch vô căn: trong nhóm này, ban đầu các tĩnh mạch bị giãn và dài ra sau đó các van tĩnh mạch mất dần chức năng.
- Nhóm giãn tĩnh mạch thứ phát, thường do viêm tĩnh mạch: Ở nhóm này các van tĩnh mạch bị mất chức năng trước, sau đó các tĩnh mạch mới bị giãn và dài ra.
- Giãn tĩnh mạch ở người có thai, do tác dụng của nội tiết tố sinh dục nữ và chèn ép của tử cung bị to ra khi có thai.
- Giãn tĩnh mạch bẩm sinh, nguyên nhân do bất thường của thành tĩnh mạch làm nghẹt tĩnh mạch sâu và dò động tĩnh mạch (dạng u máu hỗn hợp).
III. Biến chứng của giãn tĩnh mạch:
- Trước tiên là các biến chứng về rối loạn huyết động học: cẳng chân bệnh nhân bị sưng to, có triệu chứng đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm.
- Nặng hơn bệnh nhân có thể bị viêm tắc tĩnh mạch, chân nóng, sưng đỏ, các tĩnh mạch nông nổi rõ và viêm cứng.
- Giai đoạn cuối cùng có thể diễn tiến đến tình trạng giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, các tĩnh giãn rất lớn, ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng của da chân phía dưới gây viêm loét, nhiễm trùng rất khó điều trị.
- Cục thuyên tắc có thể tách rời khỏi thành tĩnh mạch, đi về tim và gây thuyên tắc động mạch phổi, một biến chứng rất nặng có thể đưa đến tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.
IV. Các yếu tố nguy cơ:
- Trên thực tế không phải người nào cũng có khả năng bị bệnh này, chỉ có một số người thuộc nhóm có nguy cơ cao là hay mắc bệnh. Di truyền là mẫu số chung cho những bệnh nhân này, trong thực hành bệnh viện hàng ngày chúng tôi nhận thấy có một số người về di truyền dễ bị mắc bệnh hơn những người khác, nguyên nhân do những thay đổi về enzyme trong mô liên kết. Nữ thường bị nhiều hơn nam do ảnh hưởng của nội tiết tố nữ, thai nghén lên thành tĩnh mạch, do phải đứng lâu trong một số ngành nghề đặc biệt như bán hàng, thợ dệt, do khối lượng cơ thấp hoặc dùng giày không thích hợp.
- Tăng trọng quá mức cũng là một yếu tố nguy cơ vì lực tác động từ phía trước để hút máu về bị giảm và các dòng trào ngược ly tâm phát sinh do gia tăng áp lực từ ổ bụng.
- Chủng tộc có ít nhiều ảnh hưởng đến bệnh này, trừ khi chúng được kết hợp với sự phát triển về kinh tế và thay đổi cách sống. Tại Pháp, cộng đồng người dân di cư đến từ các nước vùng bắc Phi rất hay bị bệnh giãn tĩnh mạch, đa số họ đều là những người dân nghèo, sống trong những điều kiện vật chất thiếu kém và phải làm những việc nặng nhọc, đứng lâu, nhiệt độ cao ở vùng chân: nội trợ, giặt quần áo, thợ dệt, tài xế v.v…
- Thuốc ngừa thai do sử dụng nội tiết tố nên cũng là một yếu tố nguy cơ như thai nghén.
- Phẫu thuật có thể gây ra biến chứng huyết khối tĩnh mạch và viêm tĩnh mạch nhất là những phẫu thuật vùng tiểu khung như phẫu thuật trong sản khoa và niệu khoa các thủ thuật khác như bó bột, bất động lâu trong gãy xương v.v… Tuy nhiên, gần đây tầm quan trọng của yếu tố nguy cơ này đã giảm bớt.
- Những bệnh do theo chế độ ăn kiêng có nhiều chất bột, ít chất xơ hay bị táo bón cũng rất dễ bị giãn tĩnh mạch.
V. Các triệu chứng chính và chẩn đoán:
- Theo một thống kê nghiên cứu đa trung tâm do Trường Đại Học Y Dược Thành Phố Hồ Chí Minh chủ xướng: Đa số bệnh nhân 77,6% không hề biết về bệnh tĩnh mạch trước đó. Điều này nói lên thực trạng về bệnh lý tĩnh mạch ở nước ta, trong đó chủ yếu là bệnh nhân ít quan tâm, ngại đi khám, thầy thuốc coi nhẹ và bỏ sót các triệu chứng. Trong đó, 91,3% bệnh nhân không được điều trị và 8,7% được điều trị không đúng phương pháp chủ yếu là sử dụng các loại thuốc chữa triệu chứng như Aspirin, lợi tiểu hoặc các loại thuốc ĐôngY.
- Các triệu chứng thường gặp nhất trong giai đoạn đầu là phù hai chi dưới đi kèm với cảm giác nặng, chuột rút về ban đêm, triệu chứng này sẽ bớt khi bệnh nhân kê chân cao buổi tối khi đi ngủ. Về sau, các triệu chứng nặng dần và xuất hiện các mảng rối loạn dinh dưỡng trên da và các tĩnh mạch giãn dần, nổi ngoằn nghoèo, có thể có những đợt viêm tắc tĩnh mạch với các triệu chứng nhiễm trùng toàn thân như sốt cao, môi khô lưỡi dơ và tại chỗ tĩnh mạch bị viêm đỏ, bên trong lòng xuất hiện những cục thuyên tắc cứng v.v…
- Việc xác định chẩn đoán chủ yếu dựa vào khám lâm sàng bao gồm nhìn thấy những đoạn tĩnh mạch bị giãn, ngoằn ngoèo, da đổi màu, rối loạn dinh dưỡng, loét và sự xuất hiện của các u máu.
- Sờ để biết được độ cứng của phần mềm, đặc biệt là vùng trước xương chày, so sánh cả hai bên. Ngoài ra, có thể sờ thấy cả một đoạn tĩnh mạch cứng, phù nề, các cục thuyên tắc và xác định nhiệt độ của da.
- Với các thầy thuốc chuyên khoa, có thể áp dụng một số thủ thuật để đánh giá tình trạng của các van tĩnh mạch hiển trong như: thủ thuật Schwarz, thủ thuật ho, thủ thuật Trendelenburg và thủ thuật Perthe.
- Cuối cùng, chẩn đoán được xác định bằng siêu âm Doppler màu mạch máu, với phương pháp này cho phép chúng ta xác định được những rối loạn huyết động học, tình trạng của các van tĩnh mạch, mức độ giãn của tĩnh mạch và các cục thuyên tắc trong lòng mạch để từ đó có thái độ điều trị đúng đắn.
VI. Điều trị:
Có 5 phương pháp điều trị chính nhằm kiểm soát hay chặn đứng sự trào ngược, loại bỏ trào ngược từ các tĩnh mạch nhánh và từ các mạch nối, cuối cùng là ngăn ngừa sự tràn ngập mô kẽ do dịch thấm ra từ các vi quản.
- Phòng ngừa: Phương pháp này nhằm chặn đứng sự trào ngược và làm cho các lực tác động lên dòng chảy của tĩnh mạch được tốt hơn. Bao gồm: Để chân cao khi nằm nghỉ, tập cơ mạnh hơn, tránh đứng hay ngồi lâu, mang vớ thun hay quấn chân bằng băng thun, sửa lại vị trí bàn chân đối với các dị tật, tránh béo phì, tập hít thở sâu, ăn chế độ có nhiều chất xơ để tránh táo bón v.v…
- Băng ép nhằm phục hồi áp suất chênh lệch giữa hai hệ thống tĩnh mạch nông và sâu thông qua hệ thống xuyên, giảm đường kính của lòng tĩnh mạch để tăng khả năng vận chuyển khi nghỉ ngơi cũng như khi gắng sức.
- Điều trị nội khoa với các thuốc làm bền thành mạch như Daflon, Rutin C, Veinamitol v.v… nhưng phần lớn chỉ có tác dụng trong giai đoạn đầu của giãn tĩnh mạch. Một số thầy thuốc chuyên khoa còn áp dụng phương pháp tiêm gây xơ tại chỗ với các thuốc làm xơ hóa lòng mạch máu.
- Phẫu thuật với hai phương pháp chính: Lấy bỏ các tĩnh mạch nông bị giãn gọi là phương pháp Stripping bằng một dụng cụ chuyên dùng cho phép rút các tĩnh mạch như chúng ta làm lòng gà và phương pháp Chivas lấy các đoạn tĩnh mạch bị giãn của hệ thống xuyên, đây là phương pháp điều trị khá triệt để có tỷ lệ tái phát thấp nhất. Ngoài ra, hiện nay người ta còn áp dụng phương pháp làm lạnh với Nitơ lỏng âm 90oC để làm nghẹt lòng tĩnh mạch qua một ống thông trong lòng tĩnh mạch, tuy nhiên phương pháp này cho tỷ lệ tái phát khá cao đến 30% các trường hợp.
Nhân loại đã sắp sửa bước sang một thiên niên kỷ mới, bao nhiêu thành tựu khoa học đã đạt được trong đó phải kể đến những thành tựu lớn trong Y học kể cả trong lĩnh vực nghiên cứu và điều trị các bệnh lý về mạch máu. Tuy nhiên, theo chúng tôi những người thầy thuốc điều mấu chốt quan trọng nhất là phòng bệnh hơn chữa bệnh. Chúng ta hãy phòng bệnh giãn tĩnh mạch bằng các phương pháp rất đơn giản như tránh béo phì, tráng đứng lâu, tránh táo bón và làm tăng sức bền của thành mạch máu bằng tập thể dục, ăn các thức ăn giàu vitamin nhiều chất xơ v.v…
PGS. TS. BS. Nguyễn Hoài Nam, Đại học Y dược TP. HCM
BÀI 2. ĐÔI CHÂN SIÊU MẪU
Chắc chắn không có cô gái nào muốn khoe cặp đùi thon dài trong chiếc váy mini nếu trên bắp chân như có ai nhẫn tâm khảm vài con đỉa ngoằn ngoèo xanh rờn. Không chỉ vì lý do thẩm mỹ, suy yếu tĩnh mạch trước sau vẫn là lý do gây nhiều trăn trở cho phái nữ, đặc biệt cho quý bà vào tuổi mãn kinh, vì khả năng dẫn đến nhiều biến chứng nhiêu khê. Vấn đề vừa đề cập càng trở nên phức tạp hơn nữa khi bệnh lý tĩnh mạch theo thống kê gần đây là bệnh chứng thường gặp ngay cả trên nhiều phụ nữ hãy còn rất trẻ!
Khó tìm được thí dụ nào có giá trị biện luận hùng hồn hơn cấu trúc của tĩnh mạch, nếu muốn tìm một dẩn chứng về tính chất bất bình đẳng giữa nam và nữ. Để đẩy máu về tim cơ thể phải trông cậy vào hai cơ chế có tính hỗ tương. Đó là hệ thống van rải đều bên trong tĩnh mạch có công dụng ngăn không cho dòng máu chảy ngược, và hệ thống bắp thịt nằm dọc tĩnh mạch của chi dưới với chức năng đẩy máu xuôi dòng bằng cách co thắt để tạo sức ép vào thành tĩnh mạch. Nếu vì lý do nào đó, chẳng hạn vì hệ thống van bị suy yếu do bị viêm nhiễm nhiều lần, hay vì bắp thịt co thắt trật nhịp do rối loạn dẫn truyền thần kinh, dòng máu trong tĩnh mạch sẽ trì trệ, nghĩa là chảy chậm hơn vận tốc mong muốn. Trong tình trạng đó, máu dễ bị đóng cục trong mạch và dẫn đến nhiều hậu quả khó lường, từ viêm tấy cho đến tắc tĩnh mạch. Thành mạch máu khi đó khó giữ được cấu trúc khỏe mạnh. Tĩnh mạch đã thế, không như động mạch, lại có rất ít sợi đàn hồi trên thành mạch máu. Tĩnh mạch trên phái yếu, đúng như tên gọi, yếu hơn ở nam giới nhiều. Tĩnh mạch trên chi dưới của các bà, các cô vì thế rất dễ phình dãn khiến đôi chân siêu mẫu dễ dàng mất giá.
Với cơ chế ứ huyết vừa mô tả không có gì khó hiểu khi đôi chân bỗng sưng mỏi sau nhiều giờ đứng bên dàn máy, hay thường gặp hơn nữa, do ngồi bó gối trên máy bay, xe khách... Tình trạng này càng dễ trở thành trầm trọng do khả năng hình thành cục máu đông trong môi trường có nhiệt độ thấp, như biến chứng thường gặp ở người làm việc trong phòng có máy điều hòa không khí. Cục máu đông trong tĩnh mạch không chỉ là nguyên nhân dẫn đến cơn đau như dao cắt. Cục máu đông nếu không may, dù với xác suất tương đối thấp, gây tắc nghẽn trong phổi, hay trên thành tim, thì hậu quả nghiêm trọng đến độ gây tử vong là điều không phải hiếm thấy.
Do đó, phương án điều trị viêm tắt tĩnh mạch với hiệu năng cao nhất chính là biện pháp phòng ngừa, càng sớm càng tốt, thay vì chạy theo triệu chứng, vì không dễ chữa khi bệnh đã thành hình. Câu hỏi thực tế chỉ còn là làm sao biết được hệ thống tĩnh mạch đang bị đe dọa đến mức độ nào? Không khó, chỉ cần thành thật trả lời các câu hỏi dưới đây:
1. Bạn thường bị sưng mỏi đôi chân, nhất là mắt cá chân, hay thậm chí chuột rút, vào buổi tối?
2. Bạn phải thường xuyên làm việc trong tư thế đứng hay ngồi?
3. Bạn đang chơi môn thể thao dễ gây áp lực cho hệ thống tĩnh mạch chi dưới như quần vợt, cầu lông...?
4. Bạn có thể trọng thuộc loại béo phì?
5. Bạn hay mặc quần áo bó sát người và mang giày cao gót?
6. Bạn đang mang bầu hay đã làm mẹ?
7. Bạn đang dùng thuốc có nội tiết tố như thuốc ngừa thai, thuốc trị hội chứng mãn kinh, thuốc điều chỉnh chức năng tuyến giáp...?
8. Bạn vừa trải qua cuộc giải phẫu hay bị chấn thương?
9. Bạn hay thân nhân đã có vấn đề với tĩnh mạch như bệnh trĩ, viêm tắc tĩnh mạch...?
Chỉ cần có Một trong các tiêu chí kể trên thì bạn nên cẩn trọng với chuyến đi xa, khi đi bộ nhiều hay phải ngồi bó gối. Quan trọng hơn nữa, bạn nên tìm đến thầy thuốc chuyên khoa, càng sớm càng tốt, nếu đôi chân đã có lần bị sưng đau ngay sau chuyến du lịch gần đây.
Bên cạnh việc áp dụng các loại tất chun đặc hiệu cho đối tượng đã có vấn đề với tĩnh mạch theo đúng hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa, người muốn phòng ngừa bệnh tĩnh mạch nên lưu ý:
1. Chọn y phục rộng rãi thoải mái, đặc biệt nên tránh các loại quần quá chật.
2. Tránh giày cao gót, giày quá chật để ngừa dòng máu đọng lại ở bàn chân.
3. Uống đủ nước với biện pháp dùng một ly nước mỗi giờ trong ngày, cụ thể từ 7 giờ đến 17 giờ.
4. Giảm hay tốt nhất, bỏ hẳn thói quen dùng cà phê, trà, rượu.
5. Giữ dáng ngồi cho đúng, tránh ngồi tréo chân quá lâu.
6. Đừng quên thỉnh thoảng tập thể dục bàn chân với động tác xoay tròn cổ chân, nhón gót và đứng trên ngón chân ngay trong giờ làm việc.
7. Đi chân đất ít phút trong ngày và ngâm chân trong nước lạnh vài phút mỗi tối.
8. Đừng ngâm chân nước nóng trong giai đoạn viêm tắc tĩnh mạch cấp tính.
9. Chú trọng các món ăn vừa làm bền thành tĩnh mạch, vừa giữ máu loãng như rau diếp cá, dứa, đu đủ, dưa gang...
Cẩn tắc vô áy náy, điều đó càng đúng hơn nữa với hệ thống tĩnh mạch. Làm sao có thể bình thản với cấu trúc mong manh của mạch máu trước áp lực chỉ tăng chứ không giảm của cuộc sống mà chúng ta đang gọi là văn minh!
Thanh Mai
BÀI 3. DAFLON 500 MG
Viên bao 500 mg : hộp 30 viên.
THÀNH PHẦN cho 1 viên
Phân đoạn flavonoide tinh khiết, dưới dạng vi thể : 500 mg
tương ứng : Diosmine : 450 mg
tương ứng : Hespéridine : 50 mg
DƯỢC LỰC
Thuốc trợ tĩnh mạch và bảo vệ mạch máu.
- Về dược lý : Daflon 500 mg có tác động trên hệ thống mạch máu trở về tim :
- ở tĩnh mạch, thuốc làm giảm tính căng giãn của tĩnh mạch và làm giảm ứ trệ ở tĩnh mạch ;
- ở vi tuần hoàn, thuốc làm bình thường hóa tính thấm của mao mạch và tăng cường sức bền của mao mạch.
- Về dược lý lâm sàng : các nghiên cứu mù đôi có kiểm soát trong đó sử dụng các phương pháp cho phép quan sát và đánh giá hoạt tính của thuốc trên động lực máu ở tĩnh mạch đã xác nhận các đặc tính dược lý của Daflon 500 mg trên người.
Tương quan giữa liều dùng và hiệu lực :
Mối tương quan liều dùng/hiệu lực, có ý nghĩa đáng kể về phương diện thống kê, được thiết lập dựa trên các thông số của phương pháp ghi biến đổi thể tích của tĩnh mạch : dung kháng, tính căng giãn và thời gian tống máu. Các kết quả cho thấy rằng tương quan tốt nhất giữa liều dùng và hiệu lực thu được khi dùng 2 viên/ngày.
Tác động trợ tĩnh mạch :
Thuốc làm tăng trương lực của tĩnh mạch : dùng máy ghi biến đổi thể tích cho thấy có sự giảm thời gian tống máu ở tĩnh mạch.
Tác động trên vi tuần hoàn :
Các nghiên cứu mù đôi có kiểm soát cho thấy rằng có sự khác nhau đáng kể về mặt thống kê giữa thuốc và placebo. Ở bệnh nhân có các dấu hiệu mao mạch bị giòn, dễ vỡ, thuốc làm tăng cường sức bền của mao mạch được đo bằng phương pháp đo sức bền của mạch máu (angiosterrométrie).
- Trên lâm sàng : các nghiên cứu mù đôi có kiểm soát cho thấy thuốc có tác động điều trị trong bệnh tĩnh mạch, trong điều trị suy tĩnh mạch mãn tính chi dưới, chức năng và thực thể.
DƯỢC ĐỘNG HỌC
Ở người, sau khi uống thuốc với diosmine được đánh dấu với carbone 14 :
- bài tiết chủ yếu qua phân và bài tiết qua nước tiểu trung bình khoảng 14% so với liều dùng ;
- thời gian bán thải là 11 giờ ;
- thuốc được chuyển hóa mạnh, được ghi nhận qua sự hiện diện của nhiều acide phénol khác nhau trong nước tiểu.
CHỈ ĐỊNH
Điều trị các triệu chứng có liên quan đến suy tuần hoàn tĩnh mạch bạch huyết (nặng chân, đau, chân khó chịu vào buổi sáng sớm).
Điều trị các dấu hiệu chức năng có liên quan đến cơn đau trĩ cấp.
CHÚ Ý ĐỀ PHÒNG và THẬN TRỌNG LÚC DÙNG
Cơn đau trĩ cấp : cần phân biệt với các bệnh hậu môn vì thuốc không thể thay thế được các trị liệu chuyên biệt cho các bệnh hậu môn khác. Điều trị ngắn hạn. Nếu các dấu hiệu vẫn dai dẳng, phải khám nghiệm trực tràng và xem xét lại sự trị liệu.
LÚC CÓ THAI
Các nghiên cứu ở động vật cho thấy thuốc không có khả năng gây quái thai. Mặt khác, ở người, cho đến nay không có một tác dụng xấu nào được ghi nhận.
LÚC NUÔI CON BÚ
Do không có số liệu về khả năng thuốc có qua được sữa mẹ hay không, khuyên các bà mẹ không nên cho con bú trong thời gian điều trị.
TÁC DỤNG NGOẠI Ý
Một số trường hợp gặp rối loạn tiêu hóa và rối loạn thần kinh thực vật nhẹ, không cần phải ngưng điều trị.
LIỀU LƯỢNG và CÁCH DÙNG
Suy tĩnh mạch (đau chân, nặng chân, phù chân, giãn tĩnh mạch, sau viêm tĩnh mạch, vọp bẻ (chuột rút)) : 2 viên/ngày, chia làm 2 lần vào buổi trưa và buổi tối trong các bữa ăn.
Cơn đau trĩ cấp tính : 6 viên/ngày, trong 4 ngày đầu ; sau đó 4 viên/ngày, trong 3 ngày ; duy trì 2 viên/ngày.
Trĩ mạn tính : 2 viên/ngày.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét